QUẢN LÝ NƯỚC NGỌT TRÊN TÀU BIỂN  


 
  1. Giới thiệu
Qui định trên tàu buôn (nơi sinh hoạt của thuyền viên) năm 1997 yêu cầu việc cung cấp nước uống và nước ngọt trên tàu phải phòng tránh được các nguy cơ nhiễm bẩn. Ngoài ra, Qui định năm 1997 còn yêu cầu cung cấp nước nóng sạch và nước uống lạnh ở các bồn rửa bát, rửa tay hoặc các thiết bị dùng để rửa tại bếp.
Bên cạnh đó, Quy định 3.2 trong Công ước quốc tế về Lao động hàng hải, MLC-2006, đề cập đến thực phẩm và nước uống cho thuyền viên như sau:
  • Đảm bảo rằng các thuyền viên được cung cấp các thực phẩm và đồ uống có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh.
  • Các nước thành viên cần đảm bảo rằng các tàu treo cờ nước mình có đầy đủ thực phẩm và nước uống đảm bảo về chất lượng, giá trị dinh dưỡng, số lượng để phục vụ cho các thuyền viên trên tàu, đặc biệt cần xét tới sự khác biệt về cách ăn uống xuất phát từ sự khác biệt về văn hoá, dân tộc và hoàn cảnh xuất thân.
  • Các cơ quan chức năng có quyền yêu cầu việc kiểm tra thường xuyên trên tàu thuộc thẩm quyền của thuyền trưởng hoặc cấp thấp hơn về nguồn thực phẩm và nước uống trên tàu, các không gian và thiết bị sử dụng để bảo quản và chế biến thực phẩm, nước uống trên tàu.
  Quản lý nước không tốt sẽ tạo ra nguồn lây truyền bệnh trên tàu. Bệnh dịch bùng phát có liên quan nhiều đến nguồn nước chuyển lên tàu bị nhiễm bẩn, lẫn giữa nước uống được và không uống được, bơm không đúng qui trình, do thiết kế và chất lượng kém của các két chứa nước uống và khử trùng nước uống không thích hợp. Do vậy, để đảm bảo chất lượng, số lượng nước uống, nước ngọt cung cấp cho thuyền viên, tàu cần xây dựng kế hoạch quản lý nước và thực thi một cách triệt để kế hoạch này.
2. Những yêu cầu trong công tác quản lý chất lượng nước ngọt trên tàu biển
2.1. Các trang thiết bị bơm và phân phối nước ngọt lên tàu
Nước lấy lên tàu từ hệ thống cấp nước trên bờ hoặc sà lan chở nước ngọt phải qua ống mềm bơm nước ngọt theo qui định và Người cung cấp phải cấp cho tàu giấy chứng nhận nước ngọt phù hợp theo yêu cầu. Các đường ống này phải bền, có lớp lót mềm và không thấm nước, và phải có các trang bị phụ trợ để nối với các họng cấp nước ngọt từ bờ và thiết bị nối để tránh sử dụng các đường ống nói trên vào việc bơm các chất lỏng khác. Các đường ống phải:
  • được đánh dấu rõ ràng (thường là màu xanh);
  • xếp gọn gàng ở ngăn tủ cách xa mặt boong;
  • xả sạch và bịt nắp 2 đầu sau khi sử dụng;
  • Sục sạch và xả nước sục đi trước khi bơm.
Thông thường, các tàu sử dụng các rồng từ bờ; trong trường hợp này, cần chỉ định một thuyền viên để đảm bảo rằng các rồng ở tình trạng tốt và được khử trùng định kì, cất giữ an toàn cũng như bịt kín các đầu ở môi trường sạch.
Mỗi két nước ngọt đều phải có ống dẫn nước riêng có thể nối với rồng cấp nước từ bờ. Ống dẫn nước này không nên nối chéo với bất kì đường ống nào của hệ thống không dùng để bơm nước ngọt. Mỗi đường ống nên được nhận dạng rõ ràng và sơn màu xanh, có lắp nắp vặn hoặc nút chặn nối bằng một đoạn xích nhỏ để tránh cho nắp hay nút đó chạm sàn khi treo.
2.2. Các phương pháp khử trùng nước ngọt
Các hệ thống khử trùng tự động phải có cơ chế kiểm soát dự phòng với thiết bị báo động tự động bằng âm thanh/ hình ảnh để ngăn ngừa rò rỉ trong trường hợp trục trặc. Nguồn điện cho thiết bị báo động phải độc lập với nguồn điện của thiết bị khử trùng.
Khử trùng bằng clo:
Nói chung, Clo được khối liên hiệp Anh (UK) thừa nhận là chất khử trùng và chất này phải sau khoảng 20 phút tiếp xúc mới phản ứng. Có thể có trường hợp nước lấy từ họng trên bờ chứa một lượng thấp clo tự do và luợng nhỏ này lại càng giảm mạnh trong môi trường tàu. Tuy không có yêu cầu thực hiện và các biện pháp kiểm soát sẽ chịu ảnh hưởng từ chất lượng của nguồn nước cấp nhưng việc bổ sung clo như một thói quen hàng ngày vào nước cấp lên tàu sao cho không quá 0.2 mg/L (ppm) clo hoặc 1.0mg/L chloramin được coi là cách làm tốt. Nên sử dụng clo như một chất hòa tan hypochlorit bằng cách sử dụng hypochlorinator chuyên dụng hoặc sử dụng một bộ khử tự động bằng clo trong đuờng ống dẫn nước ngọt vào. Có thể thu được nước có hàm lượng clo theo yêu cầu bằng phương pháp thủ công bằng cách sử dụng công thức nêu trong “Hướng dẫn của WHO về vệ sinh trên tàu”. Nên sử dụng bộ thử bán sẵn để kiểm tra hàm lượng clo tự do hay chloramin.
Thiết bị lọc hình nến tráng bạc:
Những thiết bị lọc này có chứa chất huyền phù và có tác dụng diệt khuẩn. Thiết bị có tác dụng diệt khuẩn tức thời mà không cần bổ sung hóa chất nào khác.
I-on hóa thông qua điện phân bạc:
Phương pháp này có thể được sử dụng để tự động khử trùng nước ngọt chưng cất trên các tàu. Các nhà sản xuất phải lắp các đầu điện cực để đảm bảo nồng độ I-on bạc tối thiểu là 0.1 ppm được đưa vào nước trong các điều kiện lưu lượng tối đa. Thời gian tối thiểu để bạc có tác dụng là 4 giờ sau khi chạy qua một điện cực. Quá trình này phải đảm bảo nồng độ tối đa là 0.08ppm trong hệ thống.
Khử trùng bằng tia cực tím:
Mặc dù quá trình khử trùng diễn ra tức thời nhưng các thiết bị khử trùng bằng tia cực tím không có các thuộc tính hòa tan hay kết tủa. Vì lí do này, phương pháp xử lý bằng tia cực tím thường chỉ được sử dụng làm hệ thống bổ trợ, được lắp đặt phía cuối két nước hoặc bơm cấp nước. Tuy nhiên, có thể sử dụng hiệu quả các thiết bị tia cực tím trong một số trường hợp nhất định khi đường ống cấp nước thực sự rất ngắn. Các đường ống này được lắp đặt sao cho hướng của dòng chảy là thẳng đứng để cặn đọng lại trong các ống là ít nhất. Nước phải được tuần hoàn liên tục đi qua thiết bị phát tia cực tím. Phải có một phương tiện để đo cường độ của tia cực tím và một cơ chế tắt (có tín hiệu báo động) trong trường hợp phát xạ tia cực tím quá yếu. Cần thường xuyên giám sát tình trạng của các ống.
Khử trùng bằng nhiệt (Tăng nhiệt):
Dùng hóa chất khử trùng các đường ống cấp nước bị nhiễm khuẩn legionellae có thể không phải là biện pháp đáng tin cậy. Có thể sử dụng cách khác để diệt khuẩn legionella là hâm nóng nước đang chảy qua toàn bộ hệ thống phân phối (vi khuẩn legionella có xu hướng sinh trưởng ở những đoạn cuối ống và những khu vực ít sử dụng) đến mức nhiệt ít nhất là 60oC và duy trì nhiệt độ này trong 30 phút. Có thể kết hợp cả cách này với cách dùng hóa chất khử trùng. Nếu nhiệt độ nước được tăng thì khoảng thời gian giữ nước tại nhiệt độ đó sẽ giảm theo tỷ lệ tương (VD: 700C thì thời gian duy trì là khoảng 25 phút).
2.3. Quản lý nước ngọt từ thiết bị chưng cất
Nước biển đưa lên để xử lý trên tàu phải được lấy ở những khu vực tương đối không ô nhiễm, kể cả ô nhiễm không khí. Khoảng cách cách bờ 20 hải lý thường được coi là an toàn nhưng ở một số khu vực thì phải cách xa hơn nữa. Cần xem xét dựa trên việc đánh giá rủi ro trong đó cần cân nhắc đến các tác động có thể có do chất nước của loại nước lấy lên tàu gây ra.
Cần bố trí các van thông biển (hộp van thông biển) về phía trước và nếu có thể, ở mạn đối diện với mạn của các van xả nước thải và nước ba-lát. Cần bơm nước biển qua thiết bị lọc thích hợp trước khi đưa nước vào thiết bị chưng cất.
Cần dán hướng dẫn vận hành của nhà sản xuất ở nơi dễ thấy trong buồng thiết bị và tuân thủ hướng dẫn một cách nghiêm ngặt.
(Hình 2. Thiết bị chưng cất nước ngọt trên tàu biển)
Không nên lắp đặt các van phụ ở quanh thiết bị trừ trường hợp cần đến trong quá trình xử lý nước. Cần có nơi phù hợp để cất giữ các thiết bị thay thế dự phòng đặc biệt là các thiết bị quan trọng hoặc dễ vỡ. Thiết bị chưng cất phải có bộ phận chỉ báo độ mặn thấp, mức nhiệt để thiết bị vận hành và cơ chế xả nước thải tự động. Thiết bị này cũng phải lắp hệ thống báo động hay trang bị tương đương.
Hóa chất sử dụng trong hệ thống bơm hút nước biển vào để hạn chế sự phát triển của các sinh vật trong hệ thống ống phục vụ chưng cất phải phù hợp cho mục đích đó.
Các thiết bị chưng cất áp suất cao và thẩm thấu ngược đều có khả năng loại bỏ vi sinh vật và thành phần hóa chất rất hiệu quả. Vì vậy, các thiết bị này có thể được sử dụng độc lập nếu vẫn hoạt động hiệu quả. Cũng chính vì vậy, thiết bị cần phải có hệ thống giám sát hết sức đáng tin cậy nối với hệ thống can thiệp nhanh. Tuy nhiên, thiết bị có thể được tích hợp với ứng dụng có mức kết tủa clorin thấp hoặc loại thuốc khử trùng tương ứng. Do giàn bay hơi áp suất thấp vận hành ở nhiệt độ thấp hơn nên dạng thiết bị này nên được lắp đặt với bộ phận khử trùng tự động, thường là sử dụng clorin, trước khi được bơm vào các két chứa.
Nước đã khử muối thường làm nước biển mất khoáng chất và dễ ăn mòn cũng như gây hư hại đến các két, đường ống, v.v. Vị của nước khử muối cũng rất nhạt nhẽo, và có thể coi là có vị khó chịu. Vì vậy, nên sử dụng các phương pháp xử lý bằng hóa chất phù hợp để ổn định và khoáng hóa nước trước khi bơm vào két chứa.
2.4. Chú ý khi sử dụng phin lọc
Chỉ nên dùng phin lọc như một phần của hệ thống lọc bao gồm cả việc khử trùng khi cần thiết. Vi khuẩn có thể tụ tập và sinh trưởng tại các phin lọc ở đầu và cuối ống hay vòi nước, vì vậy không nên sử dụng các phin lọc này trừ khi đã được khử trùng hoặc có bộ thay thế. Nên bảo dưỡng hoặc thay phin lọc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

(Hình 3. Một dạng phin lọc nước ngọt)
2.5. Hệ thống chứa và phân bố nước ngọt trên tàu biển
Các két chứa nước uống:
Các két chứa nước uống thường được bố trí phía trên mặt trong đáy tàu, không gắn với vỏ tàu và không ở gần két chứa dầu. Các két này nên được bố trí ở vị trí và có kích thước phù hợp để phục vụ cho việc kiểm tra, vệ sinh và sơn phủ.
Ngoài két phải dán rõ: “Nước uống”. Phải sử dụng luân phiên các két để tránh tình trạng nước bị tù đọng.
Lượng nước chứa trong két phải đủ dùng cho không dưới 2 ngày. Cần xem xét đến các yếu tố sau: số lượng thuyền viên trên tàu, số lượng hành khách tối đa, thời gian chuyến đi, khoảng cách giữa 2 cảng, và lượng nước mà các thiết bị trên tàu có thể xử lý được. Có thể giảm lượng dự trữ nước nếu có thể bổ sung nước đã được xử lý từ các thiết bị trên tàu, nhưng chỉ có thể giảm đến lượng nước mà các thiết bị trên tàu có thể sản xuất được.
Nên sử dụng hệ thống sơn phủ không phải bằng xi măng trong các két nước uống. Phải tuân thủ các khuyến nghị của nhà sản xuất về việc sơn phủ, làm khô và sơn sửa. Các chi tiết xuyên qua thành két, như bu lông, ống, mặt bích, v.v. phải được sơn cùng loại sơn của két.
Hệ thống phân bố nước ngọt:
Không nên nối các bơm nước ngọt với bất kì hệ thống phục vụ nào khác. Đường hút của các bơm không nên nối chéo với các ống, két chứa của bất kì hệ thống khác. Các đường ống không nên đi chìm trong nước la-canh hay xuyên qua các két chứa các dung dịch không uống được. Các ống thoát nước, ống thông hơi và ống xả từ các két và các ống xả từ hệ thống phân bố (bao gồm thiết bị xử lý) không được nối trực tiếp với các đường xả nước thải.
Hệ thống ống nước ngọt phải được được sơn phủ hoặc sơn các đường gạch màu xanh lơ. Nếu hướng chảy quan trọng cần phải sơn hình mũi tên chỉ hướng tương ứng. Đường nước ra phải dán nhãn “NƯỚC UỐNG”. Tại tất cả các đầu ra của ống xả các dung dịch không uống được phải được dán nhãn ghi rõ “KHÔNG UỐNG ĐƯỢC”. Nên sử dụng biện pháp cách nhiệt đối với đường ống nước nóng và nước lạnh chạy gần nhau.
Bố trí các đường ống hiệu suất tại điểm thấp nhất của bộ cấp nhiệt và các két áp suất để cặn bong ra hay cặn lắng xuống được xả sạch sau khi vệ sinh và bảo dưỡng. Lối vào các thiết bị này cũng phải được bố trí sao cho có thể dễ dàng vệ sinh tổng thể.
Hệ thống phân phối nước phải được thiết kế sao cho đạt được độ lưu thông lớn nhất, tránh các đoạn ống cụt và tránh tạo điều kiện tốt nhất cho vi khuẩn sinh trưởng (từ 15-50oC). Nguy cơ này tăng cao khi có phần nào của hệ thống không được thường xuyên sử dụng. Để giảm thiểu nguy cơ, nên xem xét việc sử dụng hệ thống ống vòng và bơm tuần hoàn cả nước nóng và nước lạnh trên phạm vi rộng ví dụ như trên tàu khách.
Nếu sử dụng chất để giảm thiểu rỉ cặn thì nên sử dụng loại phù hợp với hệ thống nước ngọt.
Vòi nước và các thiết bị cố định:
Các thiết bị cố định phải có khả năng chống được các tác động ăn mòn của nước muối và không khí có chứa muối và phải phù hợp để sử dụng cho hệ thống nước ngọt. Các thiết bị này phải dễ vệ sinh và thiết kế sao cho người sử dụng được một cách dễ dàng và hiệu quả. Nên lắp đặt vòi hoa sen dùng chung đường ống nước nóng và nước lạnh loại đã được phê duyệt và cũng nên lắp đặt loại vòi nước hỗn hợp này tại các bồn rửa tay.
2.6. Bảo dưỡng hệ thống nước ngọt
Tất cả các yếu tố trong hệ thống sản xuất, xử lý hay vận chuyển nước ngọt bao gồm các phin lọc, bơm, bộ cấp nhiệt, két áp suất, v.v. phải được kiểm tra, vệ sinh, tráng rửa sạch hoặc phải được thay thế khi cần theo hướng dẫn của nhà sản xuất cũng như hệ thống bảo quản bảo dưỡng SMMS của Công ty. Nên theo kế hoạch bảo dưỡng dưới đây:
3. Kế hoạch Đảm bảo An toàn Nước ngọt
Biện pháp hiệu quả nhất để đảm bảo an toàn nguồn cung cấp nước ngọt trên tàu là sử dụng phương pháp đánh giá rủi ro và quản lý triệt để toàn bộ quá trình từ khi bơm nước đến phân phối tại các họng cấp nước cũng như hệ thống bảo quản bảo dưỡng theo kế hoạch. Các thông tin thu nhận phải được sử dụng để triển khai Kế hoạch Đảm bảo An toàn Nước ngọt, đặc biệt với những tàu có hệ thống phức tạp có thể tích hợp vào kế hoạch bảo quản bảo dưỡng trên tàu. Kế hoạch Đảm bảo An toàn Nước ngọt nên dựa theo định dạng sau:
  • Đánh giá hệ thống và phân tích nguy cơ (bao gồm việc đánh giá nguồn nước bơm lên tàu);
  • Kế hoạch bảo quản bảo dưỡng và các biện pháp kiểm soát (lựa chọn và vận hành các quá trình xử lý phù hợp);
  • Việc giám sát và hệ thống hành động khắc phục phải phù hợp với Kế hoạch (phòng nhiễm bẩn/tái nhiễm bẩn trong suốt quá trình cất trữ và phân phối).
Chất lượng của nguồn nước chi phối các biện pháp kiểm soát. Trong trường hợp nước uống không đảm bảo thì phải xả hết và khử trùng bằng clo nhiều lần trong các két và hệ thống phân phối rồi tráng sạch theo hướng dẫn Bảo dưỡng hệ thống nước nói trên. Ngoài ra, tàu nên xem xét việc yêu cầu mẫu nước từ nhà cung ứng trước khi nhận nước.
Nước ngọt là nguồn tài nguyên cực kỳ quan trọng đối với mỗi quốc gia. Nước ngọt cũng là yếu tố không thể thiếu trên mỗi con tàu và được quy định trong các điều ước quốc tế. Mỗi thuyền viên trên tàu cần nhận thức một cách đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo quản bảo dưỡng hệ thống cung cấp nước uống, nước sinh hoạt trên tàu. Đảm bảo số lượng, chất lượng nước ngọt góp phần đảm bảo điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt của thuyền viên trên tàu theo tinh thần Công ước Lao động hàng hải 2006.
 
 Nguồn: Nguyễn Khánh Hằng
Biên dịch và tham khảo từ tài liệu:
[1] Maritime Labour Convention, 2006. IMO.
[2] Guidelines for the provisions of food and fresh water on merchant ships and fishing vessels. Maritime and Coastguard Agentcy, 2009.
 

Hệ thống đào tạo và cấp chứng chỉ trên toàn quốc | Khoá học nấu ăn, chế biến món ăn ngon | Chứng chỉ lái máy cẩu | Cao đẳng công nghệ ô tô tại hải phòng | Khoá học lái xe nâng | Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm | Khoá học xoa bóp bấm huyệt | Xét tuyển Cao đẳng tiếng Trung Quốc tại hải phòng và Hà nội | Xét tuyển Cao đẳng tiếng Hàn Quốc tại hải phòng và Hà nội